09887 09698

Hỗ trợ online
Hà Nội
TP.HCM

Giấc mơ có thật của cô gái Dao đỏ đầu tiên du học

Thứ Sáu - 28/02/2014

Ngày rời quê, lên trường hữu nghị Việt – Lào ở Sơn Tây đăng ký học, không ai tiễn đưa Lý Lở Mẩy bởi cả nhà bận ruộng đồng. 3 năm sau, Lở Mẩy trở thành người Dao đỏ đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này ở Lào Cai giành học bổng quốc tế.

Hiện, Lở Mẩy đang theo học về du lịch tại Đại học Capilano (thành phố Vancouver, Canada) với ước muốn học hành thật giỏi để về làng giúp dân phát triển du lịch.
 
Từ bản nghèo đến Vancouver
 
Từ bản nghèo đến Vancouver
Lý Lở Mẩy (sinh năm 1991), tính tới Tết dương lịch 2014 cô đã theo học được một nửa của chương trình đào tạo đại học 3 năm bên Canada.
Dịp này, tích cóp được chút tiền từ học bổng toàn phần, Lở Mẩy về nước thăm gia đình và bạn bè. “Nhưng em vẫn là người con của đồng bào Dao đỏ Tả Phìn đấy. Về làng, em lại mặc bộ đồ dân tộc, vẫn ăn những món ăn quê hương và vẫn… uống rượu quê” – Lý Lở Mẩy tâm sự – “Về quê, mấy ông, mấy bác gặp, mừng nói: “Cái Lở Mẩy đã về đấy ư, vào uống với ta chén rượu nào!”. Mỗi nhà em ngồi một lát. Vui lắm!”.
 
Người dân bản Tả Phìn mừng và tự hào lắm, bởi lần đầu tiên có người con giành được học bổng toàn phần ở trời Tây. Họ kéo nhau đến nhà chúc tụng khi Lở Mẩy về nghỉ tết. Cũng vì niềm vui này, trong lễ cưới đứa cháu trai con bà chị ruột, Lở Mẩy kể được mời rượu mừng suốt hai ngày liền.
Lý Tả Mẩy – chị gái của Lý Lở Mẩy – lên tận sân bay Nội Bài đón em, mừng khoe: “Em gái tôi giỏi và nghị lực lắm. Nó đều tự lực hết, ngay từ hồi còn nhỏ xíu”.
 
Lý Lở Mẩy từng tham gia dự án phát triển du lịch cộng đồng của trường đại học Capilano từ ngày học lớp 7 phối hợp với một đối tác bên Việt Nam thực hiện, nhưng chủ yếu tham gia để học tập là chính. Vốn tiếng Anh của Lở Mẩy bắt đầu khá dần lên từ đây. Quyết tâm học nữa, học mãi để trước hết bản thân thoát khỏi cảnh nghèo và lạc hậu lớn dần trong suy nghĩ của một cô bé đen, tóc vàng hoe và rối tung bởi cả ngày rong ruổi khắp nơi bán hàng thổ cẩm cho du khách.
 
Học hết cấp 2 ở Sapa, Lý Lở Mẩy giành được một suất học bổng của Trường Hữu nghị Việt – Lào ở Sơn Tây, Hà Nội. Tuy nhiên, mẹ cô không muốn cô đi học, mà ở nhà lấy chồng để đỡ đần gia đình đông thành viên, nhưng thiếu vắng bàn tay của người cha đã mất quá sớm. Thuyết phục con không được, bà bảo Lở Mẩy tự đi vì ai cũng bận, lại không rành đường.
 
Cuối hè năm 2006, Lý Lở Mẩy loắt choắt trong trang phục sặc sỡ của người Dao đỏ vác ba lô, bắt xe đò về Hà Nội, với mấy đồng lẻ kiếm được trong 3 tháng hè đi bán hàng cho du khách. “Từ trung tâm Hà Nội lên Sơn Tây chỉ có vài chục kilômét mà em phải mất cả ngày mới tìm thấy trường vì đi lạc. Lúc đó em cũng hơi sợ. Hồi đó chưa có điện thoại di động, nên phải đến ngày hôm sau mới nhờ điện thoại ở trường gọi về cho gia đình biết tin đã vào trường học” – Lở Mẩy nhớ lại.
 
Năm 2008, khi đang học lớp 11, Lý Lở Mẩy được sang tham quan Đại học Capilano. Thiện cảm trước cô bé dân tộc thiểu số ham học, nhiều khát vọng, các thầy cô ở trường hứa sẽ giúp Lở Mấy sang học tập, sau khi tốt nghiệp cấp 3. Lở Mẩy lao vào học tiếng Anh, để rồi cô đạt được 5,5 điểm IELTS, trong khi yêu cầu của Đại học Capilano là 5 điểm.
 
“Nếu không tận dụng mọi cơ hội học tập thì không bao giờ bước ra khỏi bản làng của mình được” – Lở Mẩy quyết tâm – “Anh thấy đấy, ở Sapa, nhiều hướng dẫn viên là dân tộc thiểu số nói tiếng Anh rất tốt, như chị em Lý Tả Mẩy chẳng hạn, nhưng không biết viết, nên cứ phải đi làm thuê: Lương thấp và bấp bênh”.
 
“Em sẽ về xây dựng bản làng”
 
Thời gian đầu sang Canada, Lở Mẩy ở trọ nhà thầy giáo, nhưng sau đó chuyển ra ngoài để tự lo, tự học, tự trải nghiệm. Lở Mẩy tận dụng mọi cơ hội để học tập. “Có những ngày nghỉ học, em ra quán càphê ngồi để học cách làm dịch vụ của họ. Sapa chỉ cần học được một phần của họ cũng là tốt lắm rồi” – Lở Mẩy nói, rồi say sưa kể với tôi về những ý tưởng sau này sẽ áp dụng cho bản làng mình. Trong đó, bước khởi đầu sẽ xây dựng Trung tâm cộng đồng để người dân Tả Phìn có nơi buôn bán, phục vụ du khách, khang trang, rộng rãi hơn.
 
“Thu nhập duy nhất của người dân bản em lâu nay chủ yếu là từ việc bán hàng thổ cẩm, dược liệu… cho du khách. Nhưng, trên đó mưa gió nhiều, đường lầy lội, thời tiết khắc nghiệt khiến việc kinh doanh này của bà con gặp nhiều khó khăn” – Đó là lý do chính Lở Mẩy quyết tâm xây cho bản mình một ngôi nhà để người dân trưng bày sản phẩm, mời du khách ly trà khi đến thăm và đó cũng là ước mơ dân làng, của Lở Mẩy từ năm 12 tuổi.
 
“Nhìn cảnh các bà, các mẹ, các chị ở bản em lang thang đi bán hàng thổ cẩm cho du khách, mỗi khi trời mưa lại vội tìm chỗ trú, em thấy thương quá” – Lở Mẩy trầm ngâm.
 
Sau một thời gian ngắn kêu gọi tài trợ trên mạng, đến giờ phút này, Lở Mẩy đã nhận được sự cam kết hỗ trợ 12.668USD của những tấm lòng hảo tâm trên toàn thế giới – cao hơn mức đề xuất 12.500USD của dân làng. Phần lớn số tiền quyên góp được để xây dựng trung tâm cộng đồng rộng khoảng 600m2, có khu nấu ăn, có khoảng sân mái che rộng để du khách thưởng trà…; phần nhỏ còn lại để duy trì mạng internet và website của trung tâm.
 
Lở Mẩy bảo, sau khi có chỗ buôn bán ổn định, sẽ nhờ các thầy cô, bạn bè bên Canada cũng như ở trong nước mở các khóa đào tạo về cách thức kinh doanh, làm du lịch cho người dân trong bản. Hiện, Lở Mẩy đang viết đề án trình các thầy, cô về ý tưởng trên của mình.
 
Hè vừa rồi, sau khi hoàn thành khóa thực tập trên tàu du lịch nổi tiếng Prince Cruise, Lở Mẩy được mời khi nào tốt nghiệp đại học đến làm việc dài hạn.
 
“Học xong đại học, em có về hay ở lại” – tôi hỏi. “Em phải về chứ” – Lở Mẩy quả quyết – “Nhưng học xong đại học, em sẽ ở lại học tiếp để mở mang kiến thức về quản lý du lịch. Sau đó em sẽ xin đi làm một năm ở nhà hàng, khách sạn để học hỏi kinh nghiệm”.
 Tag xem thêm: du hoc ucdu hoc mydu hoc anh
Theo Nguyễn Hùng
Lao Động

Bài viết liên quan

Du học sinh Việt: Những cái tên “hot” nhất 2013

Đó là những chàng trai, cô gái Việt đã và đang làm nức lòng cộng đồng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2013 bởi thành tích học tập và tài năng của mình.

Những trải nghiệm thú vị chỉ có du học sinh mới biết

Những người đi du học thực sự là những người may mắn vì họ có được những trải nghiệm mà không phải ai cũng có. Dưới đây là những khám phá thú vị mà chỉ những du học sinh mới có thể cảm nhận sâu sắc nhất.

Tết Tây chạnh lòng nhớ “thịt mỡ, dưa hành”

Có lẽ với nhiều người dân phương Tây, lễ Tết chỉ như một dịp nghỉ lễ thông thường, người ta được nghỉ ngơi nhiều hơn, được tự do chôn chân trong nhà mà không bị bất kỳ công việc đột xuất nào làm phiền. Không ít người cho rằng, Tết đơn thuần chỉ là một thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Cô bé ôsin thành sinh viên xuất sắc nước Úc

Đúng 14 năm sau, tháng 11-2013, cô bé ấy đã trở thành sinh viên VN duy nhất và đầu tiên nhận đúp hai giải thưởng danh giá: “Sinh viên quốc tế xuất sắc năm 2013 bang Victoria” và “Sinh viên quốc tế xuất sắc của năm 2013 do Thủ hiến bang Victoria Denis Napthine trao tặng”.

Du học sinh Việt phát ‘cuồng’ phượng tím Australia

Hoa phượng tím có tên ở Australia là Jacaranda. Hoa thường nở rộ vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 hàng năm. Lúc đấy Australia vào hè, giống như hoa bằng lăng hoặc hoa phượng ở Việt Nam.

Chọn nước du học

Đăng ký tư vấn