Kỳ 6: Luật sư và các vụ tai tiếng
Thứ Năm - 25/04/2013
Hơn ai hết, tính chất nghề nghiệp đòi hỏi luật sư phải sống và làm việc theo đúng pháp luật. Thế nhưng thực tế không hẳn vậy. Không ít luật sư vi phạm pháp luật hình sự để rồi bị khởi tố, kết án. Không chỉ riêng bản thân họ phải gánh chịu các chế tài nặng nề mà giới luật sư ít nhiều cũng bị ảnh hưởng…
Cán cân công lý đôi khi nghiêng theo sự nặng nhẹ của đồng tiền?
I. Từ những vụ án “đình đám” liên quan đến luật sư:
– Tháng 1-2008, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, tuyên y án 29 năm tù đối với luật sư Lê Bảo Quốc về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn khỏi nơi giam, đưa hối lộ, làm giả tài liệu, giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức. Theo tòa, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, tâm lý lo sợ trong tranh chấp, sự thiếu hiểu biết của người dân, luật sư Lê Bảo Quốc đã lừa đảo chiếm đoạt gần 4 tỉ đồng và 35.000 USD của 11 cá nhân; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 181 triệu đồng và 20.000 USD của bốn cá nhân khác…
– Tháng 8-2009, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt luật sư Lê Quốc Trung (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo bản án, năm 2004, luật sư Lê Quốc Trung thành lập một công ty TNHH. Với mác luật sư, giám đốc, cần vốn kinh doanh, Lê Quốc Trung đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hơn 1,7 tỉ đồng của nhiều người để đánh bạc và cá độ đá banh rồi bỏ trốn.
– Tháng 2-2010, TAND tỉnh Quảng Ninh đã phạt luật sư Nguyễn Ngọc Chính 12 năm tù về hai tội làm môi giới hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phạt luật sư tập sự Trần Thị Ngọc Tú 4 năm tù về tội làm môi giới hối lộ. Được chọn là người bảo vệ cho một người bị khởi tố về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tuy nhiên luật sư Nguyễn Ngọc Chính đã cấu kết với điều tra viên VNS (đã bị phạt 16 năm tù) ỉm đi kết quả giám định để luật sư lừa gia đình thân chủ là sẽ thay đổi kết quả này “biến từ ma túy thành không” với giá 20.000 USD. Đồng thời, điều tra viên VNS thỏa thuận với thẩm phán HCT (chủ tọa phiên tòa, đã bị phạt 15 năm tù) xử mức án nhẹ nhất với giá 200 triệu đồng…
Nghiêm trọng nhất có thể kể đến là vụ án lừa đảo do luật sư Nguyễn Trọng Quý cầm đầu. VKSND TP đã đề nghị TAND TP HCM tuyên phạt vị luật sư này mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng giá trị tài sản lên tới 35 tỷ đồng.
Luật sư Quý (áo vàng) cùng các bị cáo tại tòa.
Theo luật sư Đoàn Công Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang) chuyện luật sư vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật xuất phát từ ý thức vụ lợi của một số luật sư thiếu lương tâm nghề nghiệp, thiếu bản lĩnh, bị chi phối bởi giá trị vật chất. Vi phạm thường rơi vào những người không chịu rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, không đặt lợi ích cá nhân hài hòa với lợi ích chung của xã hội.
II. Đến những lời biện hộ “cười ra nước mắt”:
Vì “mục đích cao cả” là bảo vệ quyền lợi của thân chủ, không ít luật sư đã gây ra những tai nạn nghề nghiệp “cười ra nước mắt”. Những lời thề “danh dự”, câu nói “chợ búa”, lập luận “cùn” đã được các luật sư tuôn ra ngay tại phiên tòa khiến người tham dự bất bình.
Trong một phiên xét xử vụ án hiếp dâm, khi bị cáo nhận tội thì luật sư H. (Đoàn Luật sư tỉnh Q.) lại vắng mặt. Sang phần tranh luận, vị luật sư này mới có mặt và chẳng cần biết diễn biến phiên tòa trước đó, cứ hùng hồn: “Tôi thề danh dự với Hội đồng xét xử là thân chủ của tôi không phạm tội”. Kết quả, luật sư thì bị tòa “uốn nắn”, còn vị thân chủ thì vẫn lĩnh án 5 năm tù.
Khi tham gia bào chữa trong một vụ giết người tại TAND TP.HCM, một luật sư đã lập luận rằng bị cáo chém nạn nhân để “phòng xa”. Theo luật sư này, khi hai bên ẩu đả, nạn nhân đuổi theo bị cáo thì việc bị cáo cầm dao chém nạn nhân là chuyện bình thường. Bởi vì nếu không làm vậy thì nạn nhân vẫn tiếp tục đuổi theo và có thể… giết bị cáo. Khi kiểm sát viên vặn lại: “Luật sư nói thế nhưng tại sao nạn nhân gục xuống rồi bị cáo vẫn chém tiếp cho chết hẳn?”. Luật sư này còn cố cãi : “Thưa quý viện, thân chủ của tôi làm vậy cho… chắc ăn” (!). Lúc này kiểm sát viên thật sự tức giận: “Đề nghị luật sư tranh luận nghiêm túc vào đúng bản chất vụ án. Rõ ràng hồ sơ thể hiện bị cáo đã cố sát chém nạn nhân cho đến chết rồi bỏ trốn, không hề có dấu hiệu của sự phòng vệ chính đáng, thế mà luật sư còn cố biện hộ cho được”. Vị luật sư này vẫn không chịu thua: “Tui nói vậy thôi, trúng hay trật tùy tòa đánh giá” (!?).
Trên đây chỉ là hai trong nhiều vụ luật sư thực hiện việc bào chữa lấy được, theo kiểu cố đấm ăn xôi. Theo nhiều chuyên gia, đội ngũ luật sư của nước ta hiện nay có chất lượng không đồng đều. Tham gia tố tụng, không ít luật sư còn yếu về chuyên môn, kinh nghiệm, cãi chày cãi cối, không bảo vệ được mà còn làm xấu hơn tình trạng của thân chủ bởi đương nhiên là không tòa nào chấp nhận những lập luận vô lý của họ.
Luật sư đang bào chữa cho bị cáo tại một phiên tòa lưu động.
(Ảnh minh họa không liên quan đến nội dung bài viết)
III. Lấy đạo đức làm gốc cho nghề luật sư
Nghề nghiệp đòi hỏi mỗi luật sư phải tự điều chỉnh hành vi của mình và cơ sở của sự tự điều chỉnh đó chính là đạo đức. Luật sư hành nghề với mục tiêu phụng sự công lý, tôn trọng và dựa trên pháp luật thì trước hết phải xuất phát từ nền tảng đạo đức. “Vạn pháp do tâm”, nếu rèn giũa để cái tâm trong sáng hiện ra thì mọi tình huống phức tạp xảy ra trong đời sống cá nhân và hành nghề của từng luật sư đều sẽ trở nên đơn giản. Theo Luật sư Trương Xuân Tám: “Nếu luật sư không giữ gìn đạo đức nghề nghiệp cao quý của mình mà cứ hứa hão, hứa suông nhằm lôi kéo khách hàng, nhằm thu tiền thù lao cao thì rất nguy hiểm. Vừa dễ dẫn đến mất uy tín, vừa không xây dựng được thương hiệu cho mình lại dễ dẫn tới sai phạm”.
Luật sư Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Luật sư dù giỏi cỡ mấy mà không có đạo đức thì coi như hỏng. Luật sư là người bảo vệ công lý, lẽ phải, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và quyền tự do, dân chủ, pháp chế XHCN. Nếu họ vi phạm đạo đức thì không những không bảo vệ được mà còn tác dụng rất xấu tới dư luận xã hội và uy tín nghề nghiệp.” Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư để răn đe, giáo dục, thuyết phục thì chưa đủ. Quan trọng hơn là cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm của luật sư, kết hợp với việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung trong các cơ quan tố tụng.
Bày tỏ quan điểm của mình, phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa cho rằng chuyện luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp chỉ có thể nắm bắt được khi có tranh chấp, kiện tụng. Sai phạm khó bị phát hiện, phát hiện rồi lại khó chứng minh, chứng minh được cũng có nhiều tình huống khó quy tội… Do vậy, cái căn bản vẫn là lương tâm hành nghề của luật sư, còn các biện pháp chế tài chỉ mang tính ứng phó khi chuyện đã rồi.
Thông tin quan trọng: 1. Tìm kiếm các khóa học luật sư tại Úc, tại Canada, tại Anh, tại Mỹ, tại New Zealand 2. Đăng kí các khóa học và các chỉ dẫn về du học, visa du học, thông tin liên quan tại đây. 3. Học để trở thành luật sư: tại đây |
Những chỉ dẫn thêm về ngành luật cũng như việc xin học, visa du học, cơ hội làm việc và định cư tại các nước phát triển, vui lòng xem thêm tại: www.ducanhduhoc.vn hoặc điện thoại: 04 3 9716 229 – 08 3929 3995 – 031 3686 689, email: duhoc@ducanh.edu.vn
Đón xem Kỳ 7: Để trở thành Luật sư giỏi
Ban nghiên cứu thông tin thị trường việc làm – tuyển dụng
ĐỨC ANH A&T
Tag xem thêm: du hoc uc, du hoc my, du hoc anh