Nghề người mẫu chuyên nghiệp: Đằng sau ánh hào quang
Thứ Hai - 08/04/2013
Được mặc đồ đẹp, được lên bìa các báo, tạp chí, xuất hiện duyên dáng, tươi trẻ trên các spot quảng cáo trên truyền hình, biểu diễn trên sân khấu với ánh đèn hào nhoáng, phía dưới bao cặp mắt nhìn ngưỡng mộ… đã là ước mơ của bao nhiêu chàng trai, cô gái có sắc vóc.
Tuy nhiên hầu hết những người trong nghề đều khẳng định trở thành người mẫu không phải là chuyện đơn giản.
Khi bước chân vào bất kì trung tâm đào tạo người mẫu nào, là người ngoài cuộc, đứng quan sát, lắng nghe, chúng ta đều được chứng kiến sự uốn nắn từng dáng đi, ánh mắt, cử chỉ của các chuyên gia đào tạo: “đi thẳng người, mắt nhìn phía trước, cân bằng hai vai…” hay “đỉnh đầu, gót chân, mông và vai luôn phải thẳng hàng”…
Các bạn sẽ được học rất nhiều thứ từ cách đi giày cao gót bởi đôi giày cao gót như một “hành trang” không thể thiếu đối với 1 model khi đứng trên sàn diễn. Đã không ít bạn trẻ ám ảnh khi nghĩ lại những ngày học cách bước đi trên đôi giày cao ngất ngưởng: “Đi qua đi lại vài vòng sưng hết cả chân, ê cả người. Có phải đây là cái nghề đi đứng cực nhất không?”.
Một buổi tập với giầy cao gót của các thí sinh chương trình Vietnam’s Next Top Model
Giáo viên Viết Bằng, CĐ Sân khấu Điện ảnh TP HCM: “Muốn thành người mẫu phải khổ luyện”. Anh còn cho biết: “Gần 15 năm đào tạo người mẫu, tôi nhận thấy rằng để trở thành một người mẫu đã khó, nổi tiếng càng khó hơn. Ngoài hình thể, người mẫu còn yêu cầu phải có trình độ, kiến thức tổng hợp, phải hiểu biết nghệ thuật, có đạo đức và… một chút may mắn. Chưa hết, nghề này còn khắt khe đối với tuổi tác. Hầu hết người mẫu nào qua tuổi thanh xuân là sự nghiệp đi xuống. Muốn thành người mẫu phải khổ luyện, có chế độ tập luyện và ăn uống khắt khe. Bởi vậy không như nhiều bạn tưởng rằng cứ đẹp là có thể bước lên sàn diễn. Đằng sau ánh hào quang lại có sự khốc liệt của cạnh tranh và lao động vất vả”.
Con số thống kê từ Trung tâm Ca nhạc TP HCM, nơi có đào tạo người mẫu, cho biết chỉ có khoảng 30% học viên là có triển vọng nghề nghiệp. Theo chị Lâm Bích Ngọc, thư ký Trường Dạy trang điểm Balê, trong 100 người được đào tạo thì có khoảng 10 người là trụ được với nghề và đạt được các danh hiệu trong cuộc thi sắc đẹp, số còn lại… đều chuyển sang ngành khác.
I. Thị trường người mẫu Việt Nam và cơ hội để người mẫu Việt bước ra thế giới:
Trong thời buổi “sống với quảng cáo” như hiện nay thì người mẫu là không thể thiếu. Ai cũng thấy rằng cầu “hàng chất lượng cao” đang tăng nhưng cung thì giảm rõ rệt. Cứ mỗi lần có một cuộc thi người đẹp ở nước ngoài như Hoa hậu trái đất, Hoa hậu thế giới, Hoa hậu du lịch, Người mẫu nam… thì Công ty Elite (một trong những “chuyên gia” cung cấp người mẫu đại diện VN tại các cuộc thi) đều khốn đốn đi tìm người mẫu, bởi người mẫu của ta không thiếu nhưng người mẫu có sắc vóc đạt tiêu chuẩn, biết diễn xuất trước ống kính, trình độ ngoại ngữ khá thì… quá hiếm!
Bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc Công ty người mẫu Elite Việt Nam cho biết: “Thị trường người mẫu VN so với quốc tế là một khoảng cách quá lớn. Và nguy hiểm hơn nữa là thị trường người mẫu VN có một cách đi khác hẳn với thị trường chuyên nghiệp của các nước, đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc các người mẫu VN không có cơ hội được diễn chung với các người mẫu quốc tế. Đến giờ người mẫu VN có mặt trong một số show diễn quốc tể chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay là Minh Anh, Hà Anh và Bảo Hòa. Họ đều là những người mẫu thật sự có kỹ năng căn bản đúng theo tiêu chuẩn quốc tế, ý thức làm nghề rất chuyên nghiệp, thông minh và có ý thức cầu tiến, và đặc biệt là họ KHÔNG ảo tưởng về bản thân và họ lịch sự, thân thiện”.
Theo bà Nga, muốn trở thành người mẫu chuyên nghiệp phải mất ít nhất 1-2 năm. Tiêu chuẩn đầu vào của các học viên của Elite Vietnam là: nữ cao ít nhất 1m70 trở lên, nam cao ít nhất 1m78 trở lên, cơ thể cân đối, đặc biệt vòng eo phải thắt và vòng 3 cân đối, chân dài, thon thả.
Đây cũng không phải là công việc dễ kiếm tiền như nhiều bạn trẻ mơ tưởng. Ngược lại, người mẫu là nghề nhạy cảm và mau bị đào thải nhất. Đứng vững được trên sàn diễn phải là những người chịu khó học hỏi, yêu nghề và có bản lĩnh. Khẳng định mình đã khó, giữ được mình càng khó hơn. “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” – một số người mẫu vì không cưỡng lại được sự cám dỗ vật chất đã đánh mất không chỉ tên tuổi của mình mà còn làm xấu bộ mặt xã hội. Chính điều này đã khiến một số bạn trẻ có đủ điều kiện cần và đủ để trở thành người mẫu vẫn không muốn vào nghề hoặc theo nghề tới cùng, vì những tai tiếng do “những con sâu làm rầu nồi canh” mang lại.
Giới chuyên môn khẳng định số lượng chương trình trình diễn thời trang trên sàn catwalk trong năm 2012 chỉ còn một nửa so với những năm trước. Và như vậy, thu nhập cho nghề người mẫu cũng trở nên “teo tóp” hơn. Trung bình mức thù lao cho một người mẫu tham gia biểu diễn trong một chương trình thời trang chỉ ở mức 1-2 triệu đồng. Với người mẫu Việt Nam, công việc chính vẫn là chụp ảnh cho các mẫu thiết kế mới cần giới thiệu của những nhà thiết kế hay các tạp chí thời trang. So với thu nhập của chương trình biểu diễn, thù lao chụp ảnh của người mẫu chỉ còn ở mức 50%.
II. Quá trình trở thành một người mẫu chuyên nghiệp:
Nếu lịch sử thuộc về những người biết ước mơ, thì tại sao ngừng mơ ước? Chính vì thế khát vọng trở thành những “búp bê sống”, những người mẫu chuyên nghiệp trở nên cháy bỏng hơn bao giờ hết đối với các bạn trẻ. Vậy họ cần học những gì?
1. Giải phóng hình thể: Thực hành yoga sẽ làm cho cơ thể khoẻ mạnh, dẻo dai và yoga cải thiện chức năng hoạt động của các hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá, nội tiết. Nhờ các lợi ích trên, các Người mẫu của chúng ta sẽ có được sự cân bằng giữa lý trí và cảm xúc, có được sự thông tuệ trong tâm trí và sự thư thái trong tâm hồn.
Giúp đỡ học viên giải phóng hình thể trở nên dẻo dai hơn
2. Tạo dáng trước ống kính: Bạn sẽ có khá năng lựa chọn, tìm ra những điểm đẹp nhất trên cơ thể bạn để sắp xếp một cách nghệ thuật trong một không gian có những góc chụp đẹp nhất. Từ đó, mỗi bức ảnh là một tác phẩm nghệ thuật.
Người mẫu biểu diễn Catwalk.
4. Cảm thụ âm nhạc: Đây là một trong những kĩ năng quan trọng, cần thiết cho nghề người mẫu khi họ trình diễn trên sàn catwalk hoặc tạo dáng trong studio. Học viên sẽ được rèn luyện khả năng cảm nhạc thông qua các bài múa, khiêu vũ.Từ đó, bạn rèn luyện được sự tập trung và có thể điều khiển cơ thể mình một cách mềm dẻo.
5. Dẫn chương trình: Nghệ thuật diễn cảm – ánh mắt, đôi tay thậm chí cả những cái nhíu mày cũng là cách biểu đạt tình cảm hữu hiệu nhất, cùng lúc bạn phải diễn tả nội dung và chú ý phối hợp nhuần nhuyễn bước đi, đôi tay với lời nói.
6. Pro Make-up: Để trang điểm cần có óc sáng tạo, để tạo cho khuôn mặt khác đi và tạo cho mình một sự mới mẻ, khác lạ hơn so với bình thường. Một chuyên viên make up chuyên nghiệp không chỉ biết trang điểm mà còn cần hiểu thêm những kiến thức về ánh sáng, tạo dáng để có khuôn mặt, bức ảnh hút hồn nhất.
7. Dinh dưỡng học: Việc hiểu biết về dinh dưỡng giúp bạn có được một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, và tốt nhất cho chính cơ thể bạn. Dinh dưỡng chiếm 80% trong sự thay đổi hình thể.
Ở nước ta hiện nay, việc đào tạo người mẫu mới chỉ dừng lại ở các khóa học ngắn hạn (3-6 tháng) do các Tổ chức tư nhân mở ra. Ông Nguyễn Anh Tuấn một chuyên gia đào tạo người mẫu cho rằng: “Việc đào tạo người đẹp hiện nay còn non kém và quá nhiều hạn chế. Phần đông các công ty đều đào tạo theo cảm tính và nghề dạy nghề, người đi trước chỉ lại cho người đi sau, không có một giáo trình cụ thể nào. Để đào tạo ra một người mẫu giỏi cũng giống như đào tạo một kỹ sư, cần phải có những buổi học lý thuyết đi đôi với thực hành, đào tạo từ căn bản đến nâng cao, đào tạo từ cái dễ nhất đến cái khó nhất và từ hình thức đến tâm hồn.”
Thông tin quan trọng:
1. Tìm hiểu thêm thông tin người mẫu tại: www.nghenguoimau.org 2. Tìm kiếm các khóa học tại Úc, tại Canada, tại Anh, tại Mỹ, tại New Zealand 3. Đăng kí các khóa học và các chỉ dẫn về du học, visa du học, thông tin liên quan tại đây
|
Đón xem Kỳ 2: Thiết kế thời trang- Ngành học không bao giờ lỗi mốt
Ban nghiên cứu thông tin thị trường việc làm – tuyển dụng
ĐỨC ANH A&T
Tag xem thêm: du hoc uc, du hoc my, du hoc anh